“CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO”

 

 

 

Thu Nguyệt

 

 

 

 

Cũng là câu thành ngữ ấy, nhưng đến khi nghe chính từ miệng ba tôi nói ra, tôi mới sáng và hiểu theo đúng nghĩa.

Một bữa, thím Bảy bưng qua cho nhà tôi một mâm bánh xèo. Thím là người làm bánh xèo rất ngon, mang ơn nghĩa nhiều với nhà tôi nên lần nào làm bánh thím cũng bưng qua cho. Hồi nhà thím còn nghèo, thím thường bọc bánh xèo trong mấy tàu lá chuối, để vô cái sàng rồi bơi xuồng đem qua, xuồng chưa cập bến, tay dầm còn nguay nguảy thím đã  kêu ơi ới lên nhà: “Đứa nào ở nhà đó bây, xuống bưng giùm tao cái này”. Có khi người trên nhà chưa kịp xuống, thím đã để đại cái thúng lên cầu bến, rồi lật đật bơi xuồng về cho kịp còn làm công chuyện khác.

Hồi đó nhà thím nghèo lắm, đàn con của thím đông như bầy chim sẻ, mười hai đứa sàn sàn nhau, có khi phải mượn gạo nhà tôi nấu cháo ăn từng chập. Tới bữa cơm, cả nhà trải cái đệm ngoài sân, dòm vô thấy lóc nhóc đầu là đầu, đầu nào cũng hoe hoe cháy nắng. Nồi cơm bự bành ki đầy tú ụ vừa nhắc xuống, ngó qua ngó lại đã thấy đáy nồi. Mà thôi, tả làm gì cho nó sa vào vụt vặt, tóm lại là nghèo thấy ông bà ông vãi!

Rồi nhà thím khá lên, thôi cũng khỏi phải kể ra chi cái nguyên do cho nó dài dòng, ở đời thiếu gì những bước nhảy ngoạn mục. Thím xây nhà ngói. Những cái đầu hoe nắng ngày xưa giờ tóc đã óng mượt bồng bềnh như tóc mây tóc suối quảng cáo trên tivi. Đến bữa cơm, bàn ăn trải khăn nhựa ni-lông tử tế, người nào cũng để ý né những món có thể làm phá sản vóc dáng trời cho.

Thím bưng mâm bánh xèo qua cho nhà tôi, chất lượng bánh bên trong đương nhiên ngon hơn đã hẳn, mà hình thức bên ngoài cũng mát mắt cao sang.  Cái mâm bằng nhôm cao cấp sáng ngời, đựng mấy cái bánh xèo như mặt trời sáng chói. Thím cột xuồng bước đỉnh đạc lên bờ, đi thẳng lên nhà trên, bỏ dép, rồi quay qua kêu tụi nhỏ: “Đứa nào lấy mấy cái dĩa lên sắp bánh cúng ông bà nội coi bây!” Thím đốt nhang cúi xá rất đàng hoàng, rồi mới bưng số bánh còn lại xuống bếp nói chuyện với má tôi. Ở quê, đàn bà thường ít khi đứng cúng, việc cúng bái ông bà là việc của đàn ông, đàn bà chỉ chầu chực lạy quì khép nép. Tôi ở xa, nhiều năm không gặp, thấy cảnh nãy giờ ngồi chết trân dòm thím thao lao. Quá bất ngờ!  Thấy tôi cứ thần thừ cái mặt, ba tôi lại gần nói:

- Phải có chút ít phú quí mới thì lễ nghĩa mới xanh cành. Con người ta khi nghèo thúi củ hủ, sống cắm đầu chúi nhủi, ngay cả việc biết điều, phải phép đôi khi cũng phải lớ. Ông bà mình nói “có thực mới vực được Đạo” là vậy.

Nhìn nét mặt tôi, hình như chưa yên tâm về lời dạy của mình, ba tôi kéo ghế ngồi xuống, vấn một điếu thuốc rê, thủng thẳng nói tiếp:

- Phải nói ra cho nó rõ kẻo con cái tụi bây không hiểu tới. Hồi nào tới giờ tao thấy đa phần tụi con cứ hiểu câu “Có thực mới vực được Đạo” của ông bà mình là nói về tầm quan trọng của chuyện có cái ăn. Có ăn để làm gì? Để vực dậy Đạo, đó mới là chuyện chính, là cái đích. Làm gì là cũng để ngoi tới cái Đạo. Có người, bước xuống ghe là cắm đầu chèo, chèo chết chèo sống và dòm coi xung quanh coi có ai chèo lẹ, chèo giỏi như mình không. Sa đà vào cái chuyện lo chèo mà quên rằng mình chèo là để tới cái bến nào đó. Khôn ngoan tìm đủ cách lèo lái, mục đích cũng là về bến cho mau. Người luôn nhớ đến việc mình phải tới bến thì không lạc đường,  trôi nổi. Tụi con được học hành, biết hết chuyện Đông Tây, chú ý đừng hiểu sai  ý nghĩa lời dạy của ông bà mới vững vàng cái gốc.

Ba nói rồi gương mặt nhẹ bâng, bước lại bàn pha trà rót vào ly nước cúng. Hồi nãy thím Bảy cúng mà quên rót nước, nghi lễ thiếu sót chuyện nhỏ thôi, rồi sẽ quen dần, miễn là khói hương có mang lòng thành thơm thảo. Buổi trưa yên ắng, tôi nghe rõ tiếng nước ba rót vô ly. Mùi khói nhang và mùi hương trà thơm kính cẩn.

Cái “thực” dù không dễ có, nhưng chẳng ai quên, cái “đạo” luôn chực ở gần bên vậy mà quên rất dễ. Thím Bảy nghèo, ít học, coi vậy mà trí nhớ cũng lai rai. Thôi kệ, vậy cũng ngon rồi miễn là còn nhớ.

 

 

 

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 08/08/11