MỘT CÁCH BÁO HIẾU

Võ Hồng

 

Cuộc sống ngày một dễ thở, hôm nay nhiều gia đình đã có phương tiện tổ chức lễ mừng sinh nhật cha, sinh nhật mẹ. Ngoài những diễn từ chúc tụng, chụp ảnh lưu niệm, tiệc tùng... tôi thấy nên thêm một hình thức này vào trường hợp cha mẹ đã có tuổi (đã có cháu nội ngoại) : đó là mỗi người con viết lại những kỷ niệm sinh hoạt của cha, của mẹ, những kỷ niệm mà mình nhớ ơn hết, đáng nhớ ơn hết. Nhắc lại chừng vài ba chục mẫu sinh hoạt nhỏ, viết đầy cỡ vài mươi trang, nhưng có ba bốn người con là đã trở thành một cuốn vở dày rồi.

Đừng nghĩ rằng những kỷ niệm về cha mẹ thì mọi người con đều biết đầy đủ như nhau. Mà có đứa con học giỏi phải đi học trọ xa nhà, và sau đó đi làm việc nơi xa. Con gái thì tới tuổi phải xuất giá đi lấy chồng. Con trai có đứa ở theo vợ. Vậy phải mỗi người tự ghi lại những kỷ niệm thì mười phần hy vọng nhớ được bốn, năm. Những kỷ niệm được nhắc đến sẽ chung sức vẽ lại rõ ràng khuôn mặt, cá tính, những nếp sinh hoạt thường nhật của cha mẹ (và của người thân) khiến mọi người thêm gần gũi yêu thương nhau, con muốn dốc lòng báo hiếu, cha mẹ thì thầm vui như hưởng thêm được tuổi trời.

Những kỷ niệm sinh hoạt đó, thường cha mẹ đã quên. Với các người con thì trí nhớ của người này bổ sung cho trí nhớ của người kia và những dịp sinh nhật sau sẽ cùng bổ khuyết thêm những điều trước đó chưa viết.

Thường người ta giữ kỷ niệm bằng cách chỉ cất giữ những tấm ảnh, trong khi những mẫu chuyện nhỏ như vậy mới thấm thiết, mới vẽ được đời sống toàn diện khiến cha mẹ gần gũi với ta hơn. Mà phương tiện thực hiện thì rất đơn giản, không tốn kém, không đòi hỏi kỹ thuật máy móc. Chỉ cần cây viết và mười tờ giấy. Đừng viết văn chương dài dòng, ngôn ngữ hoa mỹ. Chỉ cân nhắc gọn lại sự việc là mọi người đủ nhớ ra.

Khi tôi nhận thức ra được điều này, muốn thực hiện thì đã chậm rồi : cha mẹ tôi đều đã từ trần. Cho nên tôi mong các bạn may mắn hơn tôi hãy để tâm thực hiện liền kẻo muộn.

Trong những trang hồi ký kể về thời thơ ấu, có những đoạn tôi nhắc tới cha tôi. Như :

Một thể hiện tính hài hước của tính ham vui nơi cha tôi : đó là tuổi đã lớn, đã đóng vai ông nội, ông ngoại nghiêm trang, vậy mà còn chặt nạng cây ổi làm ná cao su để bắn chim. Chim là bọn két bay ồn ào cả bầy đáp xuống cây khế lớn trong vườn. Vừa đi uốn lượn lăng xăng vừa đập cánh tíu tít, vừa nhằn những trái khế nhả rơi lộp độp vừa kéc kéc cái miệng rinh rả... Cảnh đó giống một màn trình diễn trên sân khấu nhỏ. Lông két xanh, lá khế xanh, mỏ két đỏ... và gió thổi từ bên sông đưa cái mát nhẹ nhàng bay lên.

Tôi chưa hề thấy cha bắn rớt một con két, thui nướng một con két mà chỉ nghe bay vụt bay trốn ồn ào, tiếng vỗ cánh rần rật, ném lui những tiếng kéc kéc chế diễu. Có lẽ cha thấy ngứa mắt, cha thích quậy phá như một đứa nhỏ phá đám một lũ đang vui chơi. Chưa hề nghe ai khen thịt két thịt cò. Riêng cha thì không tiếc lời ngợi khen thịt cuốc, thịt công, cu gầm ghì, cu cườm, cu lứa....

Nếu cha tôi được đọc những dòng tôi viết ! Cái cảnh vội vã đi kiếm cái ná cao su rồi vừa chạy vừa luồn lách núp mình giữa những tàu lá chuối để tới gần bầy két, nhắm bắn và bắn trật, cái cảnh đó chắc là cha tôi đã quên khi số tuổi chồng chất và các em tôi cũng đứa nhớ đứa quên. Nếu được đọc, được nhớ lại thì cha sẽ xúc động đến dường nào.

Lúc tôi tuổi đã hơn bốn mươi, một hôm nghe em gái tôi kể lại là tôi đã ghi chép:

 - Hồi đó cậu sáu (mẹ tôi thứ tư) cờ bạc nợ nần, ngày ông ngoại mất, các chủ nợ ùn ùn tới xiết nhà, xiết của. Dì năm lấy chồng ở chợ Đèo, bữa đó dượng năm từ chợ Đèo xuống lò Gòm rủ cha xuống nhà ngoại để giành phần. Cha không đi, nói với mẹ: “Xuống coi có kiếm được cái gì thì kiếm. Nếu không thì lượm về hòn đá cầm đề làm kỷ niệm (hòn đá nhỏ cầm nơi tay để đập bắp).”

Có thể cha tôi cũng đã quên chuyện này. Mà nếu sinh thời được đọc lại, được nhớ lại do các con mình ghi lại thì xúc động biết bao....

Trong cuộc sống, thường khi biết nên làm gì thì đã quá chậm. Nhưng chậm còn hơn là chẳng bao giờ. Vậy ta cứ viết, mỗi người con đều viết những gì mình nhớ, và ngày kỵ giỗ cha mẹ tập trung về cùng đọc cùng nghe, cùng xúc động, hồi tưởng công ơn. Các con cháu sẽ có dịp sống trong không khí đại gia đình, con nhớ thương cha mẹ, cháu gần gũi và quý trọng ông bà, một cách gián tiếp tô bồi nền móng gia tộc. Những người không quen chịu khó nhọc công ngồi viết thì cứ nói thẳng vào máy ghi âm, nói tự nhiên như khi nói chuyện, rồi thuê người chép lại.

Chớ chẳng lẽ ngày giỗ mà cũng chỉ thịt rượu ăn uống say sưa, vừa ồn ào nói chuyện thời thế chung chung, vặn nhạc inh ỏi và chiếu phim để khoe sang khoe giàu? Trong khi cha mẹ đã vĩnh viễn biến thành hư vô - và trong tương lai ta cũng sẽ như vậy - thì hy vọng còn sót lại những cuốn vở. Còn chăng dấu vết là nơi những cuốn vở ghi chép kỷ niệm này.

 

 

 


 
Bài vở đóng góp xin gửi về: baivochanhphap@gmail.com
Copyright © 2009 Chanh Phap Newspaper
Last modified: 08/03/10