Thư tòa soạn số 21
(tháng 8.2013)
NHÌN CHÚNG SANH VỚI LÒNG TỪ BI
Trong một đoạn diễn tả công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa nói “từ nhãn thị chúng sanh,” nghĩa là nhìn chúng sanh bằng đôi mắt từ bi. Thiền sư Nhất Hạnh dịch rất thơ, là “mắt thương nhìn cuộc đời.”
Nhìn ở đây là quán tưởng, là thể nhập, là “thấy” mình với chúng sanh, với cuộc đời, chỉ là một. Để có cái “nhìn” và “thấy” như thế ắt phải kinh qua một quá trình tu tập, thiền quán liên tục và sâu xa về lòng từ bi, về nhân duyên, về tánh không, về vô ngã… Không thực chứng các nguyên lý này, thật khó mà khởi được lòng thương và đức kham nhẫn đối với những con người xấu-ác, những chúng sanh vọng động, vô minh, ế độ, đầy dẫy trong cuộc đời.
Cụ thể hóa lòng từ bi và đức kham nhẫn này, kinh Phật dùng hình ảnh của bậc cha mẹ. Cha mẹ nhìn con cái thế nào thì Phật và bồ-tát nhìn chúng sanh, nhìn cuộc đời như thế ấy. Cái nhìn đầy thương yêu, không điều kiện.
Hơn 25 thế kỷ qua, người con Phật khắp các quốc gia, tùy theo mức độ nhận thức và thành quả tu tập của mình, đã biểu hiện lòng từ bi và đức kham nhẫn đối với cuộc đời và tha nhân, bao hàm những người hãm hại, đàn áp, tiêu diệt mình. Nhờ vậy, trong khi những người khác đạo say máu mở ra những cuộc “thánh chiến” với gươm giáo ngày xưa; rồi những vụ ruồng bố, áp bức cải đạo, thủ tiêu và bỏ tù phật-tử vào thế kỷ trước; cho đến những vụ đánh bom khủng bố, phá hủy Phật tượng và thánh tích ngày nay, người con Phật vẫn giữ được mắt thương để nhìn cuộc đời. Người con Phật không có đạo quân chiến tranh, dù chiến tranh nhân danh bất cứ ý nghĩa, mục đích hay biểu tượng thần linh nào. Có chăng một tập thể hay tổ chức Phật giáo lớn mạnh, thì đó là tập thể của những người yêu chuộng hòa bình, có cùng mục đích duy nhất trong việc truyền đạo là mang lại hạnh phúc an vui cho con người và cuộc đời.
Bạo lực của thế gian có thể hủy diệt sinh mệnh người theo Phật, có thể san bằng những ngôi chùa và thiền viện, có thể phá sập các Phật tượng và những thánh tích xa xưa, nhưng không thể phá hủy được sự thật. Sự thật ấy là, có một đạo Phật hòa bình, có một đạo Phật từ bi, có những người phật-tử từ bi trên cuộc đời. Lòng từ bi ấy là vốn liếng, là nguồn cội sinh ra muôn vàn đức hạnh cao đẹp của nhân sinh trong mọi thời đại.
Nếu có thể làm được những cha mẹ tốt đối với con cái, hãy cố gắng bước xa hơn nữa: làm người con Phật đầy lòng từ bi và kham nhẫn, luôn thương yêu, tha thứ cuộc đời.